RSS

Tag Archives: kiên trì

Viết đoạn văn nghị luận (từ 8 – 10 câu) nêu suy nghĩ của em về câu tục ngữ “Có chí thì nên”.

Con người không thể thiếu đức tính kiên trì và ý chí nghị lực nếu muốn thành công trong cuộc sống. Câu tục ngữ “Có chí thì nên” mà ông cha ta truyền lại đã khẳng định điều đó. “Chí” là hoài bão, lý tưởng tốt đẹp, là ý chí, nghị lực và sự kiên trì. “Nên” là sự thành công trong mọi việc. “Có chí thì nên” khẳng định vai trò và ý nghĩa to lớn của ý chí trong cuộc sống. Khi ta làm bất cứ việc gì, nếu có ý chí, nghị lực và sự kiên trì thì chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại để đi đến thành công bởi vì tất cả những thành công đều phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài. Tính kiên trì sẽ giúp chúng ta không nản chí trước những thất bại và biết rút kinh nghiệm từ những thất bại đó để làm nên thành công sau này. Nếu chỉ có một lần thất bại đã nản lòng, nhụt chí thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu của mình. Tóm lại, mỗi học sinh nên hiểu được lợi ích của đức tính kiên trì và bắt đầu rèn luyện ý chí, nghị lực ngay từ những việc nhỏ trong học tập để sau này trở thành những người có ích cho xã hội.

 

Nhãn: , , , ,

Bình luận câu ca dao: “Ai ơi giữ chí cho bền – Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai”.

A.   Mở bài

Trong cuộc sống, trong mọi công việc của mỗi người, tác động từ những yếu tố khách quan có khi làm ta đảo ngược ý định ban đầu, đẩy con người vào thế lúng túng, bị động, thậm chí hỏng việc. Nhân dân ta xưa thường nhắc nhở nhau:

“Ai ơi giữ chí cho bền

Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai”

Đó là lời khuyên quý giá: Muốn đạt được mục đích, con người phải luôn có ý chí, nghị lực và có lập trường trước sau như một.

B.   Thân bài

1)     Giải thích

  • Chí là chí hướng, quan điểm, lập trường, tư tưởng. Bền là sự dẻo dai, kiên định, không thay đổi, không nản lòng.
  • Nghĩa đen: Nói tới việc làm nhà, việc lớn của một đời người, đã định làm thế nào thì cứ giữ vững đến cùng, bất chấp sự can thiệp của người khác, kể cả khi sự can thiệp đó đến mức nghiêm trọng như xoay hướng, đổi nền.
  • Nghĩa bóng: Ta phải giữ vững ý chí, lập trường và quyết tâm hoàn thành công việc khi ta đã xác định rõ mục đích đúng đắn, tốt đẹp. Không nên phụ thuộc vào dư luận bàn ra tán vào, sẽ ảnh hưởng không tốt tới quá trình thực hiện công việc.

2)     Bình

  • Khẳng định: Câu ca dao trên hoàn toàn đúng vì trước khi bắt tay vào làm việc gì, ta thường đặt ra mục đích và mong muốn tìm cách đạt được mục đích ấy.
  • Nhưng khi làm việc, khó khăn mà ta phải đương đầu rất lớn. Việc càng lớn, mục đích càng cao thì khó khăn càng nhiều. Đó không chỉ là khó khăn chủ quan mà còn cả khó khăn từ khách quan. Lúc nào và bao giờ ta cũng phải đối đầu với những khó khăn. Chính vì vậy, muốn đạt được thành công, con người ta không chỉ phải xác định chí hướng đúng đắn, mà quan trọng hơn là phải có quyết tâm và bản lĩnh vững vàng.
  • Nếu không “giữ chí cho bền” thì con người sẽ không thực hiện được điều gì, mọi thứ đều dở dang, không đến nơi đến chốn.
  • “Giữ chí cho bền”: là khi đã quyết tâm làm một cái gì đó mà mình tin là đúng đắn thì phải quyết tâm làm đến cùng, dù có khó khăn, trở ngại hay sự can thiệp của người khác. Phải có ý chí, nghị lực để vượt qua, không được bỏ cuộc giữa chừng. “Dù ai xoay hướng đổi nền” cũng mặc, ta không vì những tác động tiêu cực bên ngoài mà dễ dao động, thối chí, nản lòng. Chỉ như vậy mới có thể chủ động, bình tĩnh, sáng suốt và tự tin để tìm cách tháo gỡ khó khăn, tìm phương hướng và biện pháp tốt nhất để đi tới đích.
  • Nếu không có lập trường vững vàng, không “giữ chí cho bền”, khi nghe nhiều ý kiến góp ý của người khác, ta không có bản lĩnh, không biết chắt lọc đâu là đúng đâu là sai, ta cứ thay đổi theo ý kiến của mỗi người. Kết quả là mất thời gian, công sức mà việc vẫn không thành.
  • Sự thay đổi theo ý kiến đóng góp của những người xung quanh có thể đúng với hoàn cảnh của họ, không phù hợp với ta. Sự bàn tán ra vào của mọi người xung quanh không thích hợp với hoàn cảnh của ta, chỉ làm ta thêm lúng túng, nản lòng, giảm quyết tâm. Như vậy, câu ca dao là lời khuyên hoàn toàn đúng đắn.

3)     Luận

  • Ý nghĩa, tác dụng: Đây là lời khuyên chí tình, chí lý, là bài học về lẽ sống.
  • Bản thân chúng ta: Mỗi người cần rèn luyện ý chí trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, bởi nếu không có ý chí nghị lực, ta không làm gì được cả.
    • Là học sinh trong nhà trường, để việc học đạt được kết quả tốt phải trải qua bao vất vả gian nan. Hãy xác định mục đích, phương pháp học, rèn luyện tốt từ những việc nhỏ, cụ thể. Phải kiên trì, có ý chí ngay từ việc học bài, làm bài, nghe thầy cô giảng, tiếp thu bài tại lớp.
    • Xã hội, nhà trường luôn giáo dục, rèn luyện, trân trọng những con người có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, đáp ứng nhu cầu đi lên của thời đại.
  • Phê phán: Cuộc sống hôm nay còn nhiều người sống một cách thụ động, dễ thay đổi, hay chán nản, bi quan, thất vọng, buông xuôi. Những người đó sẽ không thể làm được việc gì lớn. Không có ý chí sẽ không thể có hoài bão, ước mơ, sự nghiệp. Câu ca dao trên chính là để nhắc nhở họ.

4)    Nâng cao

  • Giữ chí cho bền khác hẳn thái độ ngoan cố, bảo thủ, không chịu tiếp thu cái đúng, cái mới. Vì vậy, “giữ chí” không có nghĩa là không chịu lắng nghe những điều hay lẽ phải ở người khác, không chịu đổi mới trong tư duy để phù hợp với sự tiến hóa của xã hội. Kinh nghiệm, thành công và thất bại của những người xung quanh, những lời khuyên bảo, góp ý của những người có hiểu biết sẽ giúp ta điều chỉnh các biện pháp tiến hành, giúp ta thấy rõ vấn đề từ nhiều góc độ, từ đó có cái nhìn chính xác nhất, để lựa chọn đường đi tốt nhất, phù hợp nhất, giúp ta củng cố thêm ý chí, quyết tâm đạt đến mục đích.
  • Ý chí phải giữ vững nhưng biện pháp tiến hành có thể linh hoạt, thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh cụ thể. Đó là người có bản lĩnh, biết hướng tới mục đích một cách tốt nhất.

C.   Kết bài

Ý nghĩa của câu ca dao: giữ vững ý chí, không dao động trước hoàn cảnh khách quan từ nhỏ đến lớn. Nhắc nhở người thiếu bản lĩnh, dễ dao động. “Giữ chí cho bền” gắn với sự tôn trọng khoa học, tôn trọng chân lý, sẵn sàng tiếp thu cái đúng, cái mới, cái tiến bộ.

 
1 bình luận

Posted by trên Tháng Tám 21, 2011 in Văn nghị luận xã hội

 

Nhãn: , , , , , ,