RSS

Tag Archives: tự sự

Kể câu chuyện về quá trình phấn đấu vươn lên trong học tập.

Cuộc đời tôi thật chán ngắt khi tôi đi học mà cứ phải nhận những con điểm xấu, khi thấy các bạn bàn luận với nhau về điểm chín, điểm mười, bài này thế nọ, bài này thế kia. Tôi thấy ghen tỵ lắm, tôi cứ muốn nghỉ học ở nhà chơi cho sướng đời, học hành chi cho mệt. Nhưng mà cái cảnh sân trường rộn rã, ngôi trường vui nhộn kia cứ thu hút tôi, nó cứ kéo tôi về với nó. Tôi sẽ thử cho mình một cơ hội nữa xem sao.

Tôi cố gắng học hành cho thật giỏi để đền ơn ông bà cha mẹ vì tôi luôn nhớ lời cô tôi dạy: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Tôi đã mang ơn cha mẹ tôi rất nhiều, từ cái áo, cái quần đến quyển vở, cây viết đều là nhờ công lao cực khổ của cha mẹ đã đổ những giọt mồ hôi làm việc mà kiếm được cho tôi. Tôi quyết tâm làm tròn chữ hiếu. Tôi thì là một học sinh yếu, lại nhu nhược nên trong lớp không ai thích chơi với tôi mấy, vì thế nên tôi cũng không thể nhờ các bạn chỉ bài giúp. Bây giờ chỉ còn tôi với tôi bước đi trên con đường khó khăn này thôi. Tôi yếu rất nhiều môn học, mà lại là những môn chính nữa chứ, chẳng hạn như là: văn, toán, anh, và còn nhiều môn khác nữa mà tôi bị mất căn bản hết rồi. Nhưng lòng quyết tâm vươn lên học tập tốt của tôi đã đánh bại cái mềm yếu, dễ dàng bỏ cuộc của tôi.

Từ đó trở đi, vào lớp tôi luôn chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài, tập trung nghe kỹ hơn những phần chính của bài giảng và hỏi lại thầy cô những phần tôi không hiểu hay còn lúng túng. Về nhà, tôi thực hiện tất cả những dặn dò của thầy cô giao. Chẳng hạn, môn anh văn, tôi thuộc từ vựng rất kỹ và thường xuyên ôn lại kiến thức cũ, cố gắng lấy lại căn bản. Có khi phải thức thâu đêm nhưng tôi không ngại khó khăn, cực nhọc để đạt được mục đích của mình. Môn Văn thì tôi thường xuyên làm thêm những bài tập làm văn, tham khảo thêm những bài văn mẫu hay để trau dồi kiến thức. Như lời các nhà bác học đã nói: “Học, học nữa, học mãi” và “Bác học không có nghĩa là ngừng học”, và đặc biệt nhất là câu nói “Kiến thức ta biết chỉ là một giọt nước trong biển rộng bao la của kiến thức nhân loại”. Những lời nói đó cứ khiến tôi nhớ mãi. Môn Toán tôi làm thêm những bài tập bổ sung rất nhiều. Tôi học như thế với một khát vọng to lớn, một ước mơ vĩ đại là mai sau làm một bác sĩ. Và cứ thế, tôi học không ngừng, không ngừng vươn xa, không ngừng tiến bộ. Rồi ngày đó cũng tới, cái ngày mà tôi biết được kết quả của bao ngày học hành cực nhọc. Tôi thật bất ngờ khi biết điểm trung bình của tôi tròn chín phẩy, chỉ đứng sau bạn lớp trưởng. Khi ấy, tôi nhận ra rằng: “Không có gì là không thể nếu ta cố gắng không ngừng, không bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc”. Sau những ngày phấn đấu, tôi đã làm cha mẹ vui lòng khi gặt hái được thành quả tốt đến như vậy.

Qua câu chuyện này, tôi muốn gửi một thông điệp đến các bạn học sinh yếu rằng lòng quyết tâm, sự kiên trì và cố gắng vươn lên trong học tập là thứ không thể thiếu. Có nó thì ta có thể làm được tất cả, thực hiện được những ước mơ mà ta luôn cho là điều không thể. Hãy sống và cố gắng vươn tới những ước mơ, đừng bao giờ bỏ cuộc.

 
6 bình luận

Posted by trên Tháng Tám 29, 2011 in Văn tự sự

 

Nhãn: , , , ,

Em hãy kể lại một kỷ niệm sâu sắc nhất với người thân: ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô, bạn bè.

“Mẹ là gì?” Nếu có ai hỏi tôi câu này chắc tôi sẽ bối rối ghê lắm. Trong từ điển ngôn ngữ, người ta định nghĩa thế này: “Mẹ là người đàn bà đã sinh ra bạn”. Chỉ có thế thôi sao? Tôi thì nhất định không đồng ý với định nghĩa như thế được. Trong kinh Vu Lan, Đức Phật đã dạy:

“Ví có người ân sâu dốc trả

Cõng mẹ cha tất cả hai vai

Giáp Tu Di núi chẳng sai

Đến trăm ngàn kiếp ân kia chưa vừa.”

Vâng, tình mẹ nói sao cho vừa. Tấm lòng của mẹ là biển cả bao la. Con yêu mẹ hơn tất cả mọi thứ trên cõi đời này vì mẹ chính là mẹ của con.

Mẹ tôi không phải là một hoa hậu thế giới hay một nữ hoàng Victoria nào đó, mẹ đơn giản chỉ là mẹ thôi. Hằng đêm, khi tôi đang say giấc nồng thì mẹ vẫn cặm cụi làm việc, đương đầu trước mọi chông gai của cuộc đời. Bàn tay mẹ gầy gầy xương xương như chứng tỏ sự khổ cực mà mẹ phải trải qua. Dáng mẹ nhỏ nhắn. Mái tóc đen đã lấm tấm vài sợi bạc. Tuổi đời đã ngoài bốn mươi nhưng mẹ vẫn chăm sóc cho tôi từng li từng tí.Sáng sớm khi tôi thức dậy đã thấy mẹ đi làm, nhưng trên bàn vẫn thơm phức tô mì mà mẹ đã dành cho tôi để tôi no bụng trước khi đi học. Trưa, khi tôi về vừa kịp ăn chén cơm mẹ nấu thì lại thấy cái dáng nhỏ nhắn của mẹ tất tả đi làm tiếp ca thứ hai. Tối, khi tôi đang học bài thì mẹ lại đang dọn dẹp nhà cửa. Bận rộn đủ việc nhưng mẹ rất quan tâm đến việc học hành của tôi. Những lúc tôi đạt điểm cao, trên gương mặt gầy gầy của mẹ lại nở một nụ cười tươi tắn hơn bao giờ hết.

Tuổi thơ tôi không được hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Mẹ tôi và ba tôi đã chia tay nhau khi tôi mới vào lớp Một. Kể từ đấy, tôi sống với mẹ, gia đình tôi cũng từ dạo ấy vắng đi tiếng cười đùa vui vẻ ngày nào. Gia đình tôi vốn cũng không khá giả gì, mẹ tôi làm ở một xí nghiệp may, lương một tháng cũng chẳng là bao. Từ khi chia tay với ba, mọi gánh nặng kinh tế của gia đình đổ dồn lên đôi vai gầy của mẹ. Từng cái áo, từng quyển vở, từng miếng ăn, giấc ngủ đều một tay mẹ tôi chăm chút. Nhưng tôi lại là một cô bé trẻ thơ và ngây ngô. Tôi ham chơi và vui đùa cùng chúng bạn mà không quan tâm gì đến mẹ. Đôi khi mẹ tôi mắng: “Tại sao mẹ kêu con ăn xong phải rửa chén mà con cứ để ở đây?”, “Tại sao con đi học về mà giày dép cứ vứt lung tung thế kia?”. Những lúc ấy, tôi lại đóng sập cửa và bật tivi ồn đến mức không nghe được tiếng mẹ mắng nữa.

Hôm đó, lúc tôi đi học, tôi nói dối với mẹ rằng chiều tôi sẽ về trễ vì phải đi học nhóm. Sau khi đi học, tôi cùng mấy nhỏ bạn thân đi lòng vòng quanh phố để khi về nhà thì mẹ làm việc nhà và tôi thì ngồi chơi mà không bị la mắng nữa. Nghĩ thế nên trong lòng tôi đắc chí lắm. Thế nhưng không may, trên đường về trời đổ mưa rất to, tôi bị cảm nặng. Tối hôm ấy, tôi chỉ biết nằm mê man trên giường. Mẹ đã túc trực bên tôi suốt đêm, lo cho tôi đến xanh xao cả người. Mẹ đút cho tôi từng muỗng cháo, cho tôi uống từng viên thuốc. “Con ho lòng mẹ tan tành. Con khóc lòng mẹ như bình nước sôi.” Sau lần đó tôi rất hối hận. Từ hôm ấy tôi mới hiểu được tình mẫu tử là như thế nào.

Mặc dù tôi là một cô bé rất gan lì nhưng mỗi khi có một ai nhắc đến mẹ là nước mắt tôi rơm rớm. Có nhiều người hỏi tôi rằng có khi nào tôi cảm thấy tủi thân khi không có sự chăm sóc của ba không. Khi ấy, tôi vẫn quả quyết: “Có thể tôi không được sinh ra trong một ngôi sao may mắn nhưng tôi biết mình vẫn hạnh phúc hơn nhiều người khác vì vẫn còn có mẹ.”

 
4 bình luận

Posted by trên Tháng Tám 29, 2011 in Văn tự sự

 

Nhãn: , , , ,

Nhân ngày 20/11 hãy kể cho các bạn nghe về một kỷ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy cô giáo cũ. [Bài 3]

Buổi lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam kết thúc trong niềm hân hoan. Không khí sôi động của buổi lễ kỷ niệm trọng đại này dần nhường lại cho không gian yên ắng đến lạ kỳ. Lúc này, sân trường chỉ còn lác đác một vài học sinh ngồi đó để chờ ba mẹ đến rước. Ba tôi hôm nay lại đến muộn. Tôi lắng nghe tiếng chim sẻ ríu rít cả một khoảnh sân. Một mình bên chiếc ghế đá, tôi bỗng nhớ lại một kỉ niệm xưa, thời mà tôi còn là cậu học sinh lớp năm trường Nguyễn Đình Chiểu, kỷ niệm về cô giáo của tôi ngày đó.

Tôi vẫn nhớ, khi còn học tiểu học, môn Toán của tôi rất khá. Điểm số của tôi luôn rực rỡ những con chín, mười tuyệt đẹp. Tôi luôn dẫn đầu lớp về điểm số. Tôi tự hào và hãnh diện về mình lắm. Trong tâm trí của cô chủ nhiệm đáng kính, của cha mẹ tôi, tôi hiện lên trong hình ảnh một học sinh giỏi, một đứa con ngoan. Chính vì những nhận thức, đánh giá bản thân quá mức đó, tôi đâm ra chủ quan và xem thường mọi thứ. Không biết từ bao giờ, tôi không chăm chỉ làm bài tập Toán cô cho nữa. Tôi ham mê đọc truyện tranh và thỉnh thoảng chỉ làm một số bài toán khó. Ở trên lớp, tôi chẳng còn chăm chú nghe giảng hay tập trung làm bài. Tôi ngập trong sự chủ quan, kiêu hãnh và bê trễ cho đến một ngày kia… Kỳ kiểm tra học kỳ một đã đến, tôi bước vào phòng thi với bao niềm phấn khích và tràn đầy tự tin. “Thế nào mình cũng đạt điểm mười lần này thôi, như bao lần khác ấy mà.” Nhưng mọi chuyện lại không như tôi muốn. Tôi bị sụp ngã ngay từ những câu đầu. Đó là những câu hỏi lý thuyết và bài tập rất căn bản, nhưng do không học bài nên tôi không biết cách làm. Mặt tôi lấm tấm mồ hôi, tim tôi đập thình thịch, đầu óc tôi rối bời, chẳng còn có thể tập trung tính toán nữa. Tôi tự hỏi mình phải xoay sở thế nào đây. Bước ra khỏi phòng thi, tôi như người mất hồn. Những ngày sau đó, tôi vẫn không sao quên được nỗi lo sợ ám ảnh trong phòng thi hôm ấy. Và điều gì đến rồi cũng đến…

Hôm phát bài thi môn Toán, khuôn mặt cô tôi có vẻ đượm buồn. Tôi lặng người với ý nghĩ rằng cô buồn vì kết quả bài thi của tôi. Quả không sai, khi bài thi môn Toán được chuyền đến tay tôi, tôi không thể bình tĩnh được nữa. Trời ơi! Con “năm” to đùng cùng những vệt đỏ đầy kín cả bài thi. Đây có phải là sự thật không vậy? Tôi đã bị điểm kém môn Toán, môn học sở trường của tôi. Tôi thấy bế tắc vô cùng. Kết quả này rồi sẽ được đưa đến tay cha mẹ, cha mẹ sẽ nghĩ sao đây: thất vọng và mất hết hy vọng về tôi, đứa con trai duy nhất của cả gia đình. Cha mẹ luôn đặt niềm tin vào tôi, luôn tự hào mỗi khi nhắc đến tôi. Cha mẹ ơi, con có lỗi với cha mẹ nhiều lắm! Chưa hết nữa, bạn bè sẽ nghĩ sao về tôi đây? Chúng bạn sẽ mỉa mai, chế giễu tôi suốt ngày. Trong phút chốc, tôi bỗng đánh mất mình. Một ý nghĩ dại khờ chợt lóe lên trong tôi vào giờ tan học hôm ấy. Cô đã để quên phiếu điểm trên bàn. Khi ấy, cả lớp về hết, chỉ còn Nam và tôi ở lại. Nam là một học sinh yếu của lớp về môn Toán. Tôi liền bàn bạc với Nam và dụ nó lên trên bàn giáo viên sửa điểm cho hai đứa. Chuyện này sẽ được giữ bí mật giữa hai đứa mà thôi.

Sau ngày hôm đó, vào thứ hai đầu tuần, cô đã phát hiện ra chuyện đó. Trịnh trọng và nghiêm khắc, cô hỏi cả lớp rằng ai đã sửa điểm cho tôi và Nam. Do lúng túng và sợ hãi, Nam đứng lên nhận lỗi và cúi mặt xuống. Giọng cô buồn bã hỏi Nam:

_ Tại sao em sửa điểm giúp bạn?

Nam không trả lời mà chỉ cúi xuống, thỉnh thoảng liếc sang nhìn tôi. Tôi bối rối và hoang mang vô cùng. Tôi phải làm sao đây? Tại sao tôi lại hành động như thế, một hành động thật xấu xa và hèn nhát? Tại sao tôi không nghĩ đến hậu quả sau này mà chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt? Cha mẹ, thầy cô, bạn bè sẽ nghĩ sao về tôi đây: một học sinh cá biệt, luôn toan tính những điều xấu xa cốt để đạt được điểm cao ư? Một đứa trẻ khi phạm sai lầm lần đầu tiên sẽ làm người ta có thành kiến mãi. Thế thì còn gì là lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh của tôi nữa. Tôi hối hận và xấu hổ vô cùng. Bằng tất cả lòng can đảm, tôi đứng dậy và nhận lỗi với cô mà nước mắt rơm rớm. Mặt tôi xanh xao, môi run run bần bật, tay chân không thể cử động được. Bằng tất cả lòng khoan dung, độ lượng, cô đã cân nhắc rất nhiều và chấp nhận tha thứ cho tôi. Tuy nhiên, cô đã cảnh cáo tôi trước lớp. Cuối buổi học hôm ấy, cô đã gọi tôi lại và nói:

_ Em đã chứng tỏ được sự ăn năn của mình bằng cách nhận lỗi. Em đã cho cô thấy rằng em là người luôn muốn vươn lên, luôn muốn phục hồi danh dự cho mình, dù điều đó đã khiến em nhận điểm xấu. Em phải luôn cố gắng học và hãy nhớ rằng: “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.

Khi về nhà, tôi đã thú thật với ba mẹ những chuyện đã xảy ra và cầu mong được tha thứ. Ba tôi chẳng nói gì cả, chỉ thỉnh thoảng lại thở dài. Tôi thoáng thấy ánh mắt đượm buồn của mẹ. Mẹ ân cần dạy tôi:

_ Con ơi, con người ai cũng một lần phạm lỗi trong đời. Con biết lỗi và tự nhận lỗi là một điều tốt. Lần này ba mẹ tha thứ cho con. Nhưng con phải chăm chỉ học tập và không được làm như thế nữa.

Tôi gật đầu, khuôn mặt tỏ ra sung sướng đến không nói nên lời. Kể từ hôm đó, tôi phấn đấu hết mình trong học tập, vào lớp thì chăm chú nghe cô giảng bài, về nhà thì hoàn thành đầy đủ bài tập cô cho và còn dành thời gian tìm thêm những bài tập khó đề giải nữa.

Trải qua sự việc ấy, đến bây giờ, nó vẫn còn là bài học đáng nhớ và kỉ niệm khó phai trong cuộc đời tôi. Giờ đây, tôi đã là một học sinh lớp Chín. Bốn năm đã trôi qua rồi, cô giáo chủ nhiệm lớp Năm kính yêu của tôi giờ này có còn dạy ở ngôi trường cũ không? Gửi gió, gửi mây, hãy mang giúp tôi những lời ăn năn chân thành nhất đến cô. Cô ơi, kỉ niệm sẽ mãi in sâu trong em, luôn bên cạnh nhắc nhở em không được phạm sai lầm đó thêm một lần nào nữa. Khi đó, cô có thật sự tha thứ cho em không?

Tiếng bước chân người và những lời chuyện trò chợt cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tôi lặng thầm trong phút chốc và cất bước ra về, trong lòng vẫn lâng lâng kỷ niệm đã qua. Chính nhờ nó, tôi đã hiểu được lòng trung thực của một con người quý giá đến nhường nào. Trong tôi bỗng có một mong muốn tha thiết: ngày hôm nay, 20/11, tôi sẽ cùng những đứa bạn thân hồi tiểu học trở về trường xưa thăm cô. Tôi tin rằng ba tôi sẽ ủng hộ ý định này của tôi. Trong phút chốc, tôi thấy mình như đang đứng giữa sân trường tiểu học năm xưa, xung quanh vẫn là cô và bạn bè ngày xưa ấy. Chúng tôi nói cười rôm rả với nhau. Tôi thấy ấm lòng lạ khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên gương mặt nhân hậu dịu dàng của cô tôi. Ôi, yêu sao những kỷ niệm dấu yêu một thời!

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 17, 2011 in Văn tự sự

 

Nhãn: , , , ,

Nhân ngày 20/11 hãy kể cho các bạn nghe về một kỷ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy cô giáo cũ. [Bài 2]

Cứ đến ngày này, ngày Nhà giáo Việt Nam thiêng liêng 20/11, lòng tôi lại đau đớn nhớ đến cái ngày đó…, cũng là ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng là ngày tôi nhận được tin cô giáo chủ nhiệm kính yêu của tôi, người cô mà tôi chưa kịp xin lỗi, đã ra đi mãi mãi.

Năm ấy tôi học lớp 7, cô giáo chủ nhiệm của tôi, người cô mà tôi hằng kính trọng bằng cả trái tim, cô chỉ có bốn mươi mấy tuổi. Bốn mươi mấy ấy nhỉ? Tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ cô có một khuôn mặt hiền hậu và sự dịu dàng cùng tấm lòng bao dung rất lớn. Cô luôn luôn truyền cho chúng tôi những tình cảm tốt đẹp nhất, khai sáng tâm hồn chúng tôi. Cô còn rất tận tình giúp đỡ những bạn học kém và luôn động viên tất cả học sinh phải nỗ lực hơn nữa. Có lẽ vì vậy mà trong cả học kỳ một, tôi luôn là một học sinh xuất sắc của lớp. Đó là vì, như bao bạn học sinh khác, tôi luôn có cô ở bên, cô giáo Hoài Thương của chúng tôi.

Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bước qua học kỳ hai, cô thường xuyên nghỉ dạy vì bị bệnh tim. Tôi không còn được nhận những sự chỉ dạy của cô nên càng ngày tôi càng sút kém trong học tập. Cứ từ từ, từ từ, tôi mất dần đi những kiến thức căn bản nhất. Tôi cảm thấy chán nản, không còn coi trọng việc học nữa. Và rồi, cái ngày ấy đã đến, cái ngày tôi trượt vào lỗi lầm không thể quên.

Hôm ấy, tôi bình thản bước vào trường thì gặp mấy cậu bạn học cũ. (Chúng tôi cùng học một lớp tiểu học với nhau, giờ cùng học một trường cấp hai, nhưng chúng học khác lớp tôi). Vừa thấy tôi, chúng liền hỏi:

_ Minh, đi chơi không? Tụi này bao cho!

Tôi ngỡ ngàng:

_ Đi chơi ở đâu? Thôi, đi thì phải cúp học ở trường mất. Nghỉ học, tớ sợ lắm!

_ Chơi điện tử chứ đâu! Lâu lâu cúp học một buổi có sao đâu nào!

Mấy đứa bạn xúm vào thuyết phục. Lúc này trong đầu tôi bao nhiêu suy nghĩ đối chọi nhau: “Thôi, lâu lâu đi có sao đâu!”, “Đi mà ba biết thế nào cũng no đòn cho xem!” Hai ý nghĩ ấy cứ cấu xé nhau làm đầu tôi như muốn vỡ tung ra. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng nghe theo lời thuyết phục hấp dẫn của mấy đứa bạn. Cả ngày hôm đó, tôi đi chơi rất vui vẻ. Hình ảnh của cô, của ba, của lớp học,… tất cả đều tan biến hết. Tôi không còn thời gian để nghĩ đến hậu quả của sự việc. Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu. Ngày hôm sau, vừa vào lớp, cô đã gọi tôi lên để hỏi tại sao nghỉ học ngày hôm qua. Lúc đó tôi rất sợ hãi, tim đập thình thịch, tưởng chừng như muốn vỡ tung trong lồng ngực. Dù rất sợ, tôi vẫn cố bình thản trả lời cô là nhà có việc bận nên nghỉ. Lúc đó, đôi mắt nhỏ bé của tôi nhìn vào mắt cô, tôi có thể cảm nhận được điều gì đó rất lạ trong mắt cô. Linh cảm cho tôi biết là cô đã biết rằng tôi nói dối. Và rồi cả ngày hôm sau, tôi cứ bị ám ảnh mãi về những điều cô nói. Tôi tự hỏi mình trả lời cô thế có đúng không và có ổn không. Nhưng rồi tôi tặc lưỡi: “Mọi việc đã qua rồi, hãy cứ để nó qua đi, đằng nào cô cũng đâu có truy cứu.” Những ý nghĩ ấy đã giúp tôi cảm thấy bình tĩnh hơn. Rồi chuyện gì đến thì nó phải đến. Cuối giờ, cô yêu cầu tôi viết một bản tường trình về việc nghỉ học của mình và đưa cho phụ huynh ký. Tôi lạnh hết cả xương sống khi nghĩ đến trận đòn nhừ tử của ba mẹ nếu biết mình trốn học. Biết làm sao bây giờ? Một ý nghĩ đen tối và liều lĩnh lóe lên trong đầu tôi: “Phải giả chữ ký thôi, chỉ có giả chữ ký mới may ra thoát được nạn này.” Đâm lao thì phải theo lao! Nghĩ sao làm vậy, ngay tối hôm đó, tôi chẳng còn tâm trí đâu mà học. Gài thật chặt cửa phòng, tôi loay hoay ngồi tập chữ ký của ba. Cuối cùng thì tôi cũng thành công, nói đúng hơn là chỉ thành công dưới con mắt nhỏ bé của tôi. Điều đó được chứng minh khi tôi đưa bản tường trình cho cô. Lúc nhìn thấy bản tường trình, đôi mày cô cau lại, những vết hằng trên trán cũng sâu hơn. Cô từ từ đặt bản tường trình xuống và nhìn tôi:

_ Minh, đây có phải là chữ ký của ba em không?

Câu hỏi của cô khiến hơi thở của tôi nóng lên, sống mũi của tôi cay cay, nước mắt tôi chỉ chực ùa ra. Tôi chỉ muốn nói thật to với cô rằng: “Cô ơi, em biết lỗi của em rồi!” Nhưng tôi đã kịp nén lại. Nếu tôi khóc tức là tôi đã nhận mình có lỗi. Tôi mà nhận lỗi với cô thì sau đó chắc chắn sẽ là một trận đòn của ba. Lấy hết can đảm, tôi từ từ ngước nhìn cô. Khuôn mặt của cô khi ấy ánh lên một niềm hy vọng nào đó, chắc là cô đang rất hy vọng tôi sẽ trả lời thành thật.

_ Thưa cô, đây… đây chính là chữ ký của ba em!

Khuôn mặt đầy hy vọng, chờ đợi của cô như tan biến, nhường chỗ cho sự thất vọng đang lộ rõ trong đôi mắt cô. Càng nhìn đôi mắt ấy, tôi lại càng đau đớn, nhưng tôi vẫn không đủ can đảm để nói ra sự thật.

Cô nhẹ nhàng:

_ Thôi được rồi, em về chỗ đi!

Vừa nghe câu đó, tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Nhưng sự yên tâm đó chẳng kéo dài được lâu. Chiều đó, cô nói tôi mời phụ huynh vào cho cô gặp. Bấy giờ, tôi mới “hồn lìa khỏi xác”. Chân tay tôi như rời ra từng mảnh, tôi không còn đủ sức lực để bước ra khỏi cánh cửa kia, để mời ba tôi vào. Nhưng tôi thật sự không còn lựa chọn nào khác.

Ba và cô đã nói chuyện gần mười lăm phút rồi. Chỉ có gần mười lăm phút nhưng tôi cảm tưởng như đã vài tiếng trôi qua vậy. Tôi đứng ngồi không yên, thấp thỏm, sợ hãi đến khôn cùng. Cuối cùng, ba tôi cũng bước ra. Ba không nói gì cả, không la cũng chẳng mắng. Khuôn mặt ba trông rất buồn. Ba lặng đi, nhìn tôi một lát rồi nói:

_ Con hãy suy nghĩ về những việc làm của mình đi. Ba bất ngờ và buồn về con quá!

Suốt đêm hôm ấy, tôi không tài nào chợp mắt được. Việc tôi gây ra làm không khí cả nhà buồn bã, trầm lặng hẳn. Tôi cứ suy nghĩ, suy nghĩ mãi. Càng nghĩ tôi càng thấy ăn năn, hối hận. Ba ơi, giá mà ba đánh con thật đau! Cô ơi, giá mà cô mắng con thật nhiều! Nếu được như thế thì con không phải day dứt, ân hận thế này. Ba mẹ và cô đã tin con nhiều đến thế, vậy mà con lại… Ngày mai, ngày 20/11, tôi sẽ nói với cô rằng: “Cô ơi, em xin lỗi cô nhiều lắm!”

Rồi một đêm dài đầy mệt mỏi và dằn dặt cũng qua đi. Ánh bình minh đã ló dạng, tôi bước vào trường nhưng trong lòng vẫn cảm thấy nặng nề vì chưa nói được lời xin lỗi cô. Thế rồi, tôi đâu có ngờ chính sáng hôm ấy, buổi sáng mà người học trò đầy mặc cảm tội lỗi như tôi mong chờ được gặp cô để nói lời xin lỗi bằng cả tấm lòng, thì một tin sét đánh đã xé nát lòng tôi. Đêm hôm qua, cô tôi đã ra đi. Một cơn đau tim đột ngột đã cướp đi mạng sống của cô tôi, khiến cô vĩnh viễn không bao giờ có thể nghe tôi nói lời xin lỗi được nữa.

 
1 bình luận

Posted by trên Tháng Tám 17, 2011 in Văn tự sự

 

Nhãn: , , , ,

Em hãy kể lại một kỷ niệm sâu sắc nhất với người thân: ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô, bạn bè.

Một khi làm một việc gì đó, tôi thường hay đắn đo, suy nghĩ, tìm ra sự hợp lý, sai sót và rút kinh nghiệm khắc phục. Tôi đã rút ra được bài học cẩn trọng đó cách đây hai năm, kể từ cái ngày tôi được về thăm quê ngoại, nơi mà tôi đã vô ý làm nên một kỷ niệm buồn.

Ngày ấy, bố mẹ cho phép tôi về quê chơi một tuần thỏa thích. Một tuần, thật là một khoảng thời gian đủ để tôi trút hết bao phiền muộn, thưởng thức những thú vui đồng quê mà tôi chỉ có thể biết và tưởng tượng qua sách báo. Nghĩ là làm, khi chuyến xe đò vừa dừng bánh tại miền đất chân quê, tôi là người đầu tiên bước xuống xe, nhanh chân nhanh tay bước về nhà ngoại. Ở nhà, Ngoại và mọi người đón tiếp tôi nồng hậu, ai ai cũng thích nghe tôi kể chuyện trên thành phố. Họ là những người chú, bác, dì rất thân ái và dễ gần. Vì thế, tôi cảm thấy rất than thiết, tự nhiên trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, người mà tôi quan tâm nhất, chú ý và dành nhiều thời gian để được chơi cùng lại là người anh họ. Phải nói là anh ấy rất mộc mạc, vui tính và trên hết là một “miệt vườn” thứ thiệt. Tôi hâm mộ anh ấy bởi sự hiểu biết, khéo tay trong những lĩnh vực độc đáo: đào dế, chọi dế, đá cá, bắt cua, chọi gà, … Nói chung là đều tuyệt. Niềm sở thích lớn nhất của anh là được chơi gà chọi. Anh có nuôi một con gà trống rất chiến, oai phong lẫm liệt. Biệt danh của nó là Thần Kê. Mỗi lần đem nó đi đá là thêm một lần thắng. Có khi một ngày, anh và tôi đi xem Thần Kê đá ba, bốn trận, phần thắng là bao nhiêu trái cây, bánh kẹo. Chưa đầy một tuần, tôi đã đâm ra mê gà “chiến” giống anh. Tôi ao ước có được một chú gà thật đẹp mã, thật dũng mãnh để có thể khoe với bạn bè, ra oai tự hào khi mình nuôi trong tay một “chiến binh” thuộc mười hai con giáp. Một ngày nọ, anh bảo với tôi rằng:

_ Ngày mai anh phải ra trông ruộng, em ở nhà nhớ trông coi, đừng để con Thần Kê phá phách chạy lung tung nhé! Nếu làm tốt anh sẽ thưởng cho em một chú gà con, thuộc giống “chiến” đàng hoàng, chịu không?

Ôi! Còn gì thích hơn khi tôi được nhận nhiệm vụ cao cả là trông coi con Thần Kê và lại còn được thưởng nếu hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Thế là tôi gật đầu cái rụp. Ngay ngày hôm sau, Chủ nhật, tức là chỉ còn hôm nay nữa là tôi sẽ về thành phố, tôi đã quên nói cho anh biết điều này. Tôi bước ra vườn, nhẹ nhàng lấy nước và thóc mang cho con Thần Kê. Nó nhìn tôi một hồi rồi mới cúi xuống mổ thóc. Tôi nhẹ nhàng đưa tay xoa nhẹ bộ lông của nó. Con gà rùng mình nhẹ. Thật thích thú khi được nâng niu một chú gà tốt thế này. Tôi ôm lấy nó. “Á!” “Quác, quác, phạch, phạch!” Con gà mổ vào tay tôi và giãy ra chỗ khác, nó xù lông thủ thế. Tôi nghĩ thầm rằng chắc nó lạ chủ. Tuy nhiên, cơn tức giận nổi lên khi lòng tốt của mình bị bác bỏ, tôi vớ lấy ngay cục đá. Trong đầu tôi chỉ thoáng qua một dòng suy nghĩ: “Nó sẽ không sao, vả lại anh họ cũng đâu có ở đây.” Thế rồi cục đá lao vút đi, đập ngay vào đầu con gà, nó té xuống, giãy đành đạch. Tôi đứng dậy, hả hê bước vào trong, cho rằng nó chỉ đau một lúc là hết. Khi đó, tôi đã thật thiếu kiểm soát về hành động của mình. Tối hôm đó, Thần Kê đã chết. Tôi rất hốt hoảng và lo sợ anh tôi sẽ biết được. Lập tức, tôi đào một cái hố, quẳng nó vào và quyết định nói dối cho qua chuyện. Sáng thứ hai, anh họ tôi về thì tôi cũng đang sửa soạn hành lý về thành phố. Anh bắt tay, gửi cho tôi bánh kẹo và một số trái cây. Thế rồi, khi hỏi về sự vắng mặt của chú gà trống yêu quý, tôi nói vội và bước ra khỏi nhà:

_ Chắc nó chạy đi chơi đâu đấy!

Vụt chạy nhanh ra bến xe, tôi về thành phố trong một nỗi dằn vặt, tưởng như có một sợi dây đang xiết lấy lòng mình. Phải chăng tôi đã phụ niềm tin của anh? Phải chăng tôi thật nông nổi? Phải chăng tôi thật thiếu suy nghĩ? Và còn rất nhiều, rất nhiều câu hỏi “Phải chăng…” trong tôi. Những ý nghĩ ấy cứ lòng vòng mãi trong sự suy nghĩ đầy hối hận.

Chính vì hành động giả dối ấy, tôi đã rút ra bài học cho riêng mình. Đó là một bài học của sự trung thực, hối hận, suy nghĩ chín chắn, mà qua đó tôi đã phải làm chết niềm tự hào của anh tôi, chú gà Thần Kê xấu số.

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 16, 2011 in Văn tự sự

 

Nhãn: , , ,

Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện ấy.

Tôi vừa đưa chiếc xe đạp vào khoảng sân hẹp thì đã nghe vọng ra tiếng cười giòn giã của bố tôi và một vị khách. Đó chắc chắn là một vị khách quý bởi vì ít khi có sự ồn ã, sôi động như thế ở người cha hiền hậu nhưng lúc nào cũng lặng lẽ của tôi.

Tôi bước vội vào nhà. Bố tôi cùng người khách hướng ánh nhìn rạng rỡ, trìu mến đón tôi:

_ Con gái, đây là bác Trung Trực, bạn học hồi trung học với bố, lại cùng bố nhập ngũ. Bác là chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa đấy con ạ!

Bác Trực trạc tuổi bố tôi. Khuôn mặt bác cương nghị nhưng lại rất đôn hậu. Đôi mắt tuy đã hằn nhiều vết chân chim nhưng vẫn ánh lên những tia vui vẻ và trìu mến. Tôi có đang nằm mơ không nhỉ? Tôi vừa học xong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Những lời thơ, những lời cô giảng và hình ảnh người chiến sĩ lái xe dũng cảm, kiên cường cứ đọng mãi trong tâm trí tôi. Giờ đây, tôi đang được đứng trước một người chiến sĩ lái xe Trường Sơn đích thực. Thật là một may mắn không ngờ. Tôi cuống quýt:

_ Bố ơi! Bác ơi! Con có thể được ngồi với bố và bác một lát để biết thêm về những ngày tháng chiến đấu năm xưa được không ạ?

Bác cười và đáp:

_ Sao lại không? Đó là khoảng thời gian đẹp nhất của bố cháu và bác.

_ Thưa bác, bác chính là người chiến sĩ lái xe Trường Sơn, người lính mà cháu đã được học trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật, phải không bác?

_ Ồ, bài thơ ấy nổi tiếng lắm cháu à. Ngày đó, có lẽ lính lái xe Trường Sơn ít ai là không biết bài thơ ấy. Nó nói hộ phần nào khát vọng chiến đấu, những gian khổ, lòng dũng cảm và sự lạc quan của những người lính như bác.

_ Chính bác cũng đã từng lái những chiếc xe không kính ấy phải không ạ?

_ Không phải “đã từng” đâu cháu ạ. Mà là bác luôn lái những chiếc xe bị xước, bị va đập, bị bom đạn làm cho rơi vỡ, méo mó những bộ phận bên ngoài như thế. Chiến tranh mà! Để bác kể rõ hơn cho cháu hiểu nhé. Ngày đó, bác lái xe tải, cùng đồng đội chuyên chở lương thực, thuốc men, khí tài,… vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Có những chuyến đi kéo dài hàng tháng trời, gian khổ lắm cháu ạ. Nhất là những đoạn đường xuyên qua dãy Trường Sơn, giặc bắn phá rất dữ dội. Chúng muốn san phẳng tất cả, cắt đứt con đường huyết mạch nối liền Bắc Nam ấy. Tiểu đội xe của bác ban đầu được trang bị toàn xe mới để phục vụ mặt trận. Lúc đó, xe có kính như muôn vàn chiếc xe khác. Nhưng ngày nào xe cũng lao đi giữa bom gầm, đạn nổ khiến kính rạn vỡ, mất dần hết cả. Rồi cả mui xe cũng bị đạn pháo cày hất tung lên. Thùng xe va quẹt nhiều cũng chằng chịt vết xước. Chẳng còn chiếc xe nào còn nguyên vẹn cháu à.

Tôi vẫn còn tò mò, tiếp tục hỏi bố:

_ Lái xe không kính, không mui, không đèn như thế chắc nguy hiểm lắm bác nhỉ?

Bác sôi nổi tiếp lời:

_ Nguy hiểm lắm, cái sống cái chết lúc nào cũng trong gang tấc. Lái xe không kính thì mối nguy hiểm gần nhất là bụi đấy. Đường Trường Sơn mùa khô bụi cuốn mù trời sau làn xe chạy. Bụi cuốn vào mặt, vào quần áo. Bụi dày đặc đến mức mắt cay xè, không thể mở nổi. Lúc ấy, râu, tóc, quần áo và cả xe rực lên một màu đất đỏ Trường Sơn. Rồi cả mưa nữa chứ. Mưa Trường Sơn thường bất ngờ. Đang bụi bám đầy thì bỗng cả người nặng chịch vì ướt sũng nước mưa. Mưa xối xả quất vào người, vào mặt, vào mắt. Những làn nước cay xè, buốt rát khiến việc lái xe khó hơn gấp trăm ngàn lần. Thế nhưng, những người lính lái xe như bác không bao giờ dừng lại, luôn phải tranh thủ tránh giờ cao điểm cháu ạ. Cũng vì xe không kính nên mưa gió vứt vào cabin đủ thứ, nào là lá rừng, nào là cành cây gãy, … Bác đã bao lần bị cành cây cứa vào mặt, vào tay cầm vô lăng, đau rát vô cùng. Gian khổ là thế đấy cháu! Mỗi chuyến chở hàng về tới đích thật sự là một kỳ tích. Vậy mà ký tích vẫn luôn xuất hiện đấy!

Bác mỉm cười, khuôn mặt ánh lên vẻ rạng rỡ và tự hào. Lời bác kể như chất chứa bao nhiệt huyết, bao sôi nổi của một thời tuổi trẻ nơi chiến trường. Bác dường như đang được sống lại những phút giây lịch sử ấy. Không hiểu sao ngay lúc này, những lời thơ của Phạm Tiến Duật lại ùa về, ngân nga trong lòng tôi. Đó chính là một thực tế ở chiến trường ngày ấy. Thế mà, những người lính cụ Hồ vẫn tràn đầy lạc quan, yêu đời, và tin tưởng vào một ngày mai chiến thắng.

Tôi chợt thấy bác Trực trầm ngâm, ánh mắt xa xôi như đang lạc trong dòng hồi tưởng. Còn bố tôi thì ngồi lặng lẽ, khuôn mặt đầy vẻ xúc động. Bác Trực chợt nói:

_ Xe không kính thế mà lại hay cháu ạ. Gặp bạn cũ, gặp đồng đội, gặp đồng hương đều tay bắt mặt mừng qua ô kính vỡ. Giữa đại ngàn mênh mông, bác chợt thấy lòng mình ấm lại vì được chiến đấu bên cạnh những đồng chí yêu thương.

Giọng bác chợt rung lên, đầy xúc động:

_ Cháu không thể hiểu tình đồng chí thiêng liêng, quý giá thế nào với người lính các bác đâu. Dừng xe, ghé vào một bếp Hoàng Cầm, chỉ cần thêm bát thêm đũa là thấy thân thuộc như anh em một nhà. Dù chốc lát nữa thôi, mỗi người sẽ đi mỗi hướng, có khi chẳng bao giờ gặp lại nhau giữa chiến trường ác liệt. Bác và ba cháu có thể trở về hạnh phúc bên gia đình, nhưng bao nhiêu đồng đội của bác đã ngã xuống. Có một đồng đội của bác đã hy sinh ngay sau vô lăng vì quyết tâm lái xe vượt qua làn đạn dù đang bị thương nặng. Ngày ấy, khẩu hiệu “Yêu xe như con, quý xăng như máu” luôn khắc ghi trong tim những người lính lái xe. Dù có hy sinh, các bác vẫn quyết tâm bảo vệ xe và hàng.

Bác chợt im lặng. Không khí cả căn phòng bỗng chốc trở nên thật trang nghiêm.

_ Cháu gái của bác, hai câu cuối của bài thơ có phải là:

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng cho đến tận hôm nay, bác và bố cháu không phút nào quên được mình đã từng là người lính. Bác rất tự hào vì mình đã là người lính lái xe Trường Sơn năm xưa, đã tham gia chiến đấu góp phần giành độc lập tự do cho quê hương đất nước.

Trong tôi bỗng trào dâng một cảm xúc thật kỳ lạ, vừa khâm phục, vừa tự hào. Ngày hôm nay tôi đã hiểu thêm rất nhiều điều. Trước đây, tôi chỉ biết đến cuộc sống êm đềm trong vòng tay ấm áp, chở che của gia đình, thầy cô trong một đất nước hòa bình. Đó là thành quả của bao thế hệ cha anh đã vất vả, hy sinh. Họ chính là bố tôi, bác tôi và những người tôi chưa từng gặp mặt. Tôi phải thật trân trọng cuộc sống hòa bình này và cố gắng trau dồi, hoàn thiện để góp phần xây dựng đất nước thêm tươi đẹp trong thời đại mới. Cảm ơn bác, người lính lái xe năm xưa của Trường Sơn oanh liệt, đã giúp cháu lớn thêm lên nhiều lắm!

 
12 bình luận

Posted by trên Tháng Tám 16, 2011 in Văn tự sự

 

Nhãn: , , , , ,